Đây là nhận định của Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế khi chia sẻ thông tin liên quan đến ngành dịch vụ logistics của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, logistics tại Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể. Thông tin tại buổi đón tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA) Turgut Erkeskin, Thủ tướng cho biết, tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%. Điều này có vai trò quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên gần 700 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 370 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023, xuất siêu 11,63 tỷ USD; là nền kinh tế mở, logistics có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam theo xu thế của thế giới.
Việt Nam đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét thành lập cơ quan chỉ đạo về dịch vụ logistics với bộ máy chuyên môn đủ mạnh, có năng lực, có thẩm quyền để giúp Chính phủ chỉ đạo phát triển, đẩy mạnh lĩnh vực quan trọng này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển dịch vụ logistics đặt ra, đảm bảo phù hợp với xu hướng và bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA) Turgut Erkeskin - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng mong muốn FIATA chia sẻ thêm thông tin, tư vấn, hỗ trợ về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, chú trọng các giải pháp phát triển logistics nông, công nghiệp, phát triển đội tàu biển Việt Nam, các hành lang kinh tế thương mại - vận tải và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển dịch vụ logistics trong năm 2024.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị FIATA quan tâm hỗ trợ công tác phát triển nhân lực cho ngành logistics Việt Nam; mở rộng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trước chia sẻ đó, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế Turgut Erkeskin cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới. Chủ tịch FIATA cho rằng Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển ngành kinh tế này.
Ngành logistics của Việt Nam đứng đâu trên thế giới?
Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu - thương mại, kênh phân phối, bán lẻ…
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến năm 2021, số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics của Việt Nam hiện là 3.000 doanh nghiệp, bao gồm tất cả các doanh nghiệp logistics hoạt động theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 0,7%.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt khoảng 14 - 16%; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60 - 70%, đóng góp khoảng 4 - 5% GDP (Song Hà, 2023).
Theo Báo cáo về chỉ số Năng lực logistics theo quốc gia năm 2022 của Agility - nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 được dự báo đạt mức 5,5%.
Còn theo Báo cáo về chỉ số Năng lực logistics theo quốc gia năm 2023 của Agility, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á, sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Về cơ hội logistics trong nước, Việt Nam được đánh giá ở vị trí 16, cải thiện 1 bậc so với năm 2022 với 5,02 điểm. Còn về yếu tố cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á, đứng vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng với 6,03 điểm. Dựa trên các điều kiện kinh doanh và chỉ số sẵn sàng công nghệ, Việt Nam được đánh giá lần lượt ở vị trí 19 và 15 của bảng xếp hạng.
Như vậy, dù ngành dịch vụ này của Việt Nam còn khá khiêm tốn nhưng so với mặt bằng chung của toàn thế giới, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều điều kiện cũng như dư địa để phát triển trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng logistics, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
(Theo Báo Cafebiz)